Tổng lượng các loại thép thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam từ ngày 1/1-31/8/2016 đạt 12,35 triệu tấn. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm nhập khẩu tháng 8/2016 đạt hơn 1,28 triệu tấn, với kim ngạch nhập khẩu hơn 652 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm 2016, lượng thép thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến hơn 7,29 triệu tấn, chiếm 59% trong tổng lượng thép nhập khẩu. Các quốc gia cung cấp thép lớn cho Việt Nam khác như: Nhật Bản (chiếm 14,85%), Hàn Quốc (chiếm 9,53%), Đài Loan (chiếm 9,51%) và Nga (chiếm 3,79%).
Ở chiều ngược lại, tình hình xuất khẩu trong tháng 8/2016, Việt Nam xuất khẩu hơn 312 ngàn tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 192,7 triệu USD, tăng 5,1% so với tháng 7/2016. ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Lượng thép thành phẩm xuất khẩu sang khu vực này tháng 8/2016 đạt 134,8 nghìn tấn, giảm 6,8% so với tháng trước, và giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 43,16% tổng lượng thép xuất khẩu thép.
Đối với thị trường trong nước, sản xuất các sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên VSA tháng 9/2016 đạt 1.488.415 tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng giảm 2,37 so với tháng trước. Xuất khẩu sản phẩm thép các loại đạt 232.396 tấn, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 13,9% so với tháng trước. Bán hàng sản phẩm thép các loại tháng 9/2016 đạt 1.221.404 tấn, giảm 6,05% so với tháng 8/2016, nhưng tăng cao so với cùng kỳ 2015 là 23,6%.
Cuối tháng 9, sản phẩm thép mạ và thép cán nguội của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đồng thời bị các doanh nghiệp sản xuất thép Hoa Kỳ nộp đơn kiện yêu cầu điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Ngày 5/10/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3993/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá đối với thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (bao gồm cả Hồng Kông) là những tiêu điểm của ngành thép trong tháng 9.
Phúc Khang